Thống kê cho thấy loãng xương là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh lý về xương trên toàn thế giới.
Bệnh thường gặp ở nữ hơn là nam giới, với tỷ lệ 3:1. Loãng xương để lại hậu quả rất nặng nề, làm cho xương trở nên giòn, mỏng manh và rất dễ gãy, kể cả khi không bị chấn thương. Người ta thường gọi tình trạng này là gãy xương tự nhiên, đây là một biến chứng nặng nề của loãng xương.
Tiến sĩ, bác sĩ Võ Xuân Sơn giải thích: Xương người được cấu tạo bởi các bè xương liên kết với nhau thành một mạng lưới, tạo nên bộ khung vững chắc để nâng đỡ cả cơ thể. Ở người bình thường, các bè xương xếp dày đặc, độ dày của mỗi bè khá lớn.
Theo cơ chế tự nhiên, có 2 quá trình đồng thời xảy ra, tác động trực tiếp lên xương của con người đó là tạo xương và hủy xương.
Khi người ta còn trẻ, quá trình tạo xương chiếm ưu thế, xương ngày một phát triển, các bè to ra và cứng chắc. Đến tuổi trưởng thành, hai quá trình tạo - hủy cân bằng với nhau, xương luôn cứng chắc cũng như một con người tràn đầy sinh lực.
Nhưng ở người lớn tuổi, quá trình tạo xương giảm, hủy xương thắng thế. Hậu quả là các bè xương mỏng đi, bớt chắc khỏe, số lượng bè cũng giảm, tạo ra các khoang rỗng bên trong xương. Người ta thường gọi tình trạng này là xốp xương hoặc loãng xương.
Xương bị loãng sẽ yếu và giòn hơn rất nhiều so với xương không bị loãng. Dân gian thường gọi tình trạng này là “mục xương”. Khi nói đến mục xương người ta thường ám chỉ trường hợp xương bị mục, bị yếu do lạm dụng các thuốc kháng viêm corticosteroid. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc sử dụng
corticosteroid chỉ là một trong số những nguyên nhân gây bệnh này mà thôi.
Nguyên nhân
Bác sĩ chuyên khoa 1 Ngô Đức Trường cho biết, thủ phạm chính gây ra loãng xương chính là "vị thần thời gian". Khi con người bước qua tuổi trung niên, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh, các nội tiết tố giảm, quá trình tạo xương không còn sung mãn như trước, đồng thời quá trình hủy xương tăng lên và lấn lướt làm cho xương bị mất đi, trở nên xốp hơn.
Thành phần chính tạo nên độ vững chắc cho xương là canxi. Lúc con người còn trẻ, cơ thể sử dụng canxi để tạo ra xương mới. Nhưng khi lớn tuổi, thường lượng canxi trong máu không đủ, canxi sẽ bị lấy từ xương ra để chuyển đến phục vụ cho hoạt động ở các cơ quan trọng yếu khác của cơ thể, từ đó làm cho xương suy yếu.
Ngoài vấn đề tuổi tác, còn nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác làm tăng quá trình hủy xương như:
- Chế độ ăn uống quá ít canxi, ít đạm, ít hoạt động thể lực, ít hoạt động ngoài trời, nghiện rượu, bia, thuốc lá, cà phê.
- Sử dụng thuốc corticosteroid (ví dụ như dexa) hàng ngày trong thời gian hơn 3 tháng.
- Nằm bất động trên giường quá lâu.
- Bị các bệnh lý về khớp như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp.
- Bị bệnh thận mạn tính dẫn tới tăng đào thải canxi, bệnh đường tiêu hóa mạn tính gây giảm hấp thu canxi và vitamin D.
- Cường tuyến cận giáp, thiểu năng sinh dục.
- Người quá nhẹ cân, lúc nhỏ bị còi xương, suy dinh dưỡng.